Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)


Đề: Bình giảng bài thơ Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên). Đề thi dành cho ban Nâng Cao.
Bài giảng của Thầy Phan Danh Hiếu. Tổ trưởng Tổ Ngữ văn THPT Bùi Thị Xuân. Tp. Biên Hòa. Đồng Nai
TÔN TRỌNG BẢN QUYỀN CỦA THẦY BẰNG CÁCH GHI RÕ NGUỒN. CẢM ƠN!
Bài giảng chi tiết như sau:
Tác giả:
Chế Lan Viên là bút danh của nhà thơ Phan Ngọc Hoan (1920-1989). Trước 1945. Chế Lan Viên nổi tiếng với tập thơ “Điêu tàn” (“Thung lũng đau thương”). Sau 1945, ông nổi tiếng với tập “Ánh sáng và phù sa” (“cánh đồng vui”).
 Phong cách: Thơ Chế Lan Viên giàu chất suy tưởng, mang vẻ đẹp trí tuệ, hình ảnh luôn mới lạ, ngôn ngữ sắc sảo.
Xuất xứ: Tiếng hát con tàu viết trong thời kỳ miền Bắc xây dựng XHCN, đặc biệt năm 1958 có đợt kêu gọi đồng bào miền xuôi lên vùng núi Tây Bắc đi xây dựng vùng kinh tế mới. Tác phẩm được rút ra từ tập thơ “Ánh sáng và phù sa”.
1.     Ý nghĩa nhan đề Tiếng hát con tàu:
Trước 1945, “với tập thơ “Điêu tàn”, Chế Lan Viên xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị” (Hoài Thanh). Trong các nhà thơ mới  “Thế Lữ muốn thoát lên tiên, Lưu Trọng Lư phiêu lưu trong trường tình, Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai xua mình về hạ giới”, còn họ Chế trốn tránh cuộc đời trong “tinh cầu giá lạnh”:
Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa
Để nơi đó tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền đau khổ với buồn lo
Chế Lan Viên đắm chìm trong suy tư vô trong “thế giới điêu tàn”, thế giới của “muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”. Nhưng sự thành công của CMT8 như một luồng gió mới thổi vào tâm hồn con người, vào tâm hồn người nghệ sĩ, đã làm phục sinh tâm hồn tưởng chừng như đã vụt tắt của họ. Và từ đó Chế Lan Viên đã tìm cho mình một niềm vui mới và lẽ sống mới bằng “Ánh sáng và phù sa”. Đó cũng chính là lúc Chế Lan Viên từ bỏ “tinh cầu giá lạnh”, từ bỏ nỗi cô đơn, đưa cái tôi hòa nhập vào cuộc đời rộng lớn của nhân dân, nhà thơ gọi quá trình từ bỏ đó là “Từ thung lũng đau thương” ra “cánh đồng vui”, từ thế giới “Điêu tàn” đến với “Ánh sáng và phù sa”. Hay mượn cách nói của một nhà thơ Pháp  “Từ chân trời một người đến chân trời mọi người”. Bài thơ “Tiếng hát con tàu” chính là hành trình đến với Tây Bắc, đến với nhân dân, với cội nguồn sáng tạo.
 Hình tượng con tàu: sự thật những năm Chế Lan Viên viết bài thơ này thì chưa có đường tàu cũng như chưa có con tàu nào lên Tây Bắc. Hình tượng con tàu ở đây là một hình ảnh lãng mạn, mang ý nghĩa biểu tượng: biểu tượng cho những cuộc lên đường, biểu tượng cho khát vọng đi xa vượt ra khỏi những gì chật hẹp tù túng, quẩn quanh để đến với cuộc sống lớn của nhân dân, để đến với nơi khơi nguồn cho cảm hứng nghệ thuật và cũng là để về với tâm hồn mình.
 2.     Cảm nhận về 4 câu đề từ:
Chúng ta nên hiểu rằng tình trạng chung của tầng lớp văn nghệ sĩ trước 1945 là tình trạng sống trong cuộc đời nhỏ hẹp, Chế Lan Viên cũng đã từng viết như thể trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”:
“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”
Những cuộc đời nhỏ hẹp đó đã thực sự mở rộng sau CMT8, đó là lúc tâm hồn của người nghệ sĩ đã mở rộng đón gió, đón nhận hương sắc cuộc đời, từ bỏ cái tôi bé nhỏ để bước vào cuộc đời rộng lớn và bốn câu đề từ là nỗi lòng, là sự trăn trở của nhà thơ:
Tây Bắc ư? có riêng gì Tây Bắc
 Khi lòng ta đã hoá những con tàu
 Khi tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
 Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu
“Tây Bắc” là ở đâu? Tây Bắc chỉ vùng cực Tây của Tổ quốc, nơi trải qua cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp đầy đau thương nhưng hào hùng của dân tộc, đó là nơi “Máu rỏ tâm hồn ta thấm đất”, đó cũng là nơi “Tình em đang mong tình mẹ đang chờ”, nơi hồi sinh đất chết “Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân”, là nơi cần những bàn tay kiến thiết, cần những tâm hồn xây dựng.
Tác giả khẳng định trong câu hỏi: “Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc”
Tây Bắc không chỉ là một hình ảnh cụ thể mà Tây Bắc còn là biểu tượng của đất nước, của Tổ quốc, có nghĩa là nơi nào trên Tổ quốc của chúng ta cần đến nhưng bàn tay lao động, những bàn tay kiến thiết thì ở đó có “lòng ta”. “ Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát” thì đó là lúc “Lòng ta hóa những con tàu”. Đặc biệt hơn nữa, đó là sự gắn kết giữa “Lòng ta”, “tâm hồn ta” với Tổ quốc. Tổ quốc  không ở đâu xa mà ở ngay tâm hồn ta: “Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”. Như vậy “Con tàu” chính là lòng ta, tâm hồn ta mang tất cả sức mạnh, mang niềm vui, mang khát vọng, mang cống hiến để lên đường theo tiếng gọi Tổ quốc. Cũng như vậy, bốn câu thơ đề từ là nguồn cảm hứng cho toàn bộ bài thơ đó là cảm hứng lên đường, cảm hứng hòa nhập vào cuộc đời rộng lớn của nhân dân, từ đó khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho thơ ca và nghệ thuật.
 3.     Hai khổ thơ đầu (giục giã lên đường):
Hai khổ thơ đầu là tâm trạng và nỗi niềm băn khoăn của thi nhân về chuyện đi hoặc ở lại. Đi tức là đến với vùng đất Tây Bắc nhiều khó khăn, gian khổ. Ở chính là ở lại Hà Nội (cuộc sống đầy đủ). Tâm trạng ngại đi xa, ngại khó khăn gian khổ là một sự thật, không chỉ riêng nhà thơ mà ở rất nhiều tâm trạng con người sau ngày hòa bình lập lại, khổ thơ chính là cuộc đấu tranh tư tưởng:“Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi” (Xuân Diệu)
Và để tô đậm tâm trạng và nỗi niềm băn khoăn ấy, nhà thơ đã sử dụng hàng loạt câu hỏi tu từ với âm điệu thơ đầy ám ảnh, giục giã:
“Con tàu này lên Tây Bắc anh đi chăng?”
“Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi?”
“Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?”
Đây chính là những câu hỏi đầy hối thúc, đầy giục giã làm lay động tâm hồn người nghệ sĩ. Nếu như chọn “giữ trời Hà Nội” thì đó là cuộc sống ích kỷ, hưởng thụ, chỉ sống riêng cho bản thân mình, đó chắc chắn là cuộc sống tù túng chật hẹp. Nhà thơ cũng tự phê bình chính bản thân mình qua phép đối lập, đối lập giữa đất nước mênh mông và sự nhỏ hẹp của đời anh. Và chắc chắn sống trong cuộc đời như vậy thì không bao giờ tìm được cảm hứng cho văn nghệ: “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”. Người nghệ sĩ sẽ có thể tìm được cảm hứng văn nghệ khi đi về phía nhân dân, về phía sáng tạo “tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”. “Trên kia” chính là Tây Bắc, là Tổ quốc, là nhân dân, là nguồn cảm hứng mãnh liệt, dồi dào cho sức sống của nghệ thuật. Đó là nơi “gió ngàn đang rú gọi” đang mời gọi giục giã nhà thơ lên đường.
Chi tiết “tàu đói những vành trăng” chỉ sự nghèo đói của cảm hứng tâm hồn nghệ sĩ và cũng cho thấy con tàu mang khát vọng lên đường nhưng chưa thực sự đủ sức lên đường. Bởi nó đang thiếu đi niềm nhiệt huyết.
 4.     Hai khổ thơ  tiếp theo là khát vọng trở lại Tây Bắc. Chính là sự hồi tưởng của nhà thơ về cội nguồn Tây Bắc, những kỷ niệm về mười năm chiến đấu anh hùng:
Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân

Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường
Con đã đi nhưng con cần vượt nữa
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương
 Nhà thơ đã viết bằng niềm tự hào mãnh liệt,  thể hiện qua cách gọi Tây Bắc, cách dùng từ  - nhà thơ gọi Tây Bắc là xứ thiêng liêng, là vùng đất của anh hùng bởi Tây Bắc là nơi biết bao xương máu con người đã đổ xuống, là vùng đất khai sinh ra nguồn cảm hứng cho thơ ca nghệ thuật trong đó có “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên. Nhà thơ còn tự hào gọi Tây Bắc là ngọn lửa, ngọn lửa truyền thống yêu nước, vẻ đẹp quật cường. Ngọn lửa ấy không chỉ cháy trong mười năm quá khứ mà còn cháy sáng trong tương lai “Ngàn năm sau còn đủ sức soi đường”. Đặc biệt Chế Lan Viên còn tự hào gọi Tây Bắc là “Mẹ yêu thương”. Cách gọi ấy cho thấy nhận thức sâu sắc của Chế Lan Viên về cội nguồn đất nước của dân tộc. Nhà thơ viết hoa chữ  “Mẹ” được xem như mỹ từ, đó là mẹ Tổ quốc, là mẹ của đất nước, là mẹ của cội nguồn cảm hứng nghệ thuật.
 5.     Bốn khổ thơ kế tiếp: là sự trở về của nhà thơ với vùng đất Tây Bắc, cội nguồn của yêu thương. Đó là sự trở về để đền ơn đáp nghĩa, để sống trong lòng của nhân dân. Đó chính là về với mẹ nuôi, người anh du kích, đứa em liên lạc, cô gái Tây Bắc.
Với nhà thơ Chế Lan Viên thì việc gặp lại nhân dân là một niềm vui lớn, khao khát lớn, hạnh phúc lớn được thể hiện qua bốn câu thơ:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
Nhà thơ sử dụng thủ pháp nghệ thuật so sánh qua hình ảnh “nai về suối cũ”, “cỏ đón giêng hai”, “chim én gặp mùa”, “đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa”. Cách so sánh này vừa quen lại vừa lạ, thể hiện niềm hạnh phúc của nhà thơ khi tìm về nguồn cội bởi cuộc đời đẹp nhất là khi gắn bó với Tổ quốc, với nhân dân. Câu thơ đầu với lối so sánh rất độc đáo. Nếu mùa đông đàn nai đi vào rừng hẻo lánh xa xôi để tìm kiếm nguồn thức ăn, khi  mùa xuân  ấm áp trở lại thì chúng lại tìm về suối cũ. Và còn gì vui bằng khi nai về suối cũ và vui gì bằng  khi con gặp lại nhân dân. Cách so sánh làm đồng hiện ân nghĩa thủy chung ở đời. Niềm vui đó còn được thể hiện qua so sánh với thế giới của thiên nhiên, gặp lại nhân dân mà vui như “cỏ đón giêng hai”, vui như ký ức tuổi thơ “đói lòng gặp dòng sữa ngọt lành”, vui như khi “gặp cánh tay đưa nôi cho giấc ngủ trẻ thơ”. Đặc biệt nhà thơ lại sử dụng những cặp từ hình ảnh đi đôi với nhau, cái này là sự sống cho cái kia và ngược lại: Con gắn với nhân dân, ngai gắn với suối cũ, cỏ gắn với giêng hai, chim én gắn với mùa xuân, trẻ thơ - sữa, nôi - cánh tay.
Gặp lại nhân dân chính là để soi lại lòng mình như nhà thơ Xuân Diệu đã từng nói:
Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi,
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao

Nhân dân là ai? Nhân dân chính là những người đã hi sinh, những người đã san sẻ cùng với bộ đội trong cuộc kháng chiến gian lao. Đó chính là anh du kích:
“Con nhớ anh con…
…. Gửi lại cho con”
Đó là vẻ đẹp của con người cần lao anh dũng. Nhà thơ đã gọi là “anh con” như thể máu mủ ruột rà và nhà thơ đặc biệt nhấn mạnh một chi tiết “chiếc áo nâu”. Đó chính là hình ảnh của sự nghèo khổ một đời vá rách nhưng chiếc áo đó là chiếc áo nâu của ân tình ân nghĩa “Đêm cuối cùng anh gửi lại cho con”.Chiếc áo nâu đó được truyền lại cho con như truyền lại sự sống và tinh thần chiến đấu.
 Nhân dân còn là hình ảnh của người em liên lạc giàu lòng dũng cảm, gan dạ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cách mạng giao phó: “Sáng bản Na, chiều em qua bản Bắc/Mười năm tròn chưa mất một phong thư”. Hình ảnh người em liên lạc trong thơ của Chế Lan Viên khiến ta nhớ tới nhân vật Tnú trong tác phẩm “Rừng xà nu”, chú bé Lượm trong thơ Tố Hữu, anh Kim Đồng, anh Lê Văn Tám …
Tập trung tình cảm nhiều nhất đó chính là hình ảnh người mẹ nuôi đã gắn bó với nhà thơ trong những năm tháng dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh:

Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi
Hình ảnh lửa hồng soi tóc bạc là hình ảnh đẹp. Ngọn lửa đó là hiện thân của ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa chiếu sáng tóc bạc của mẹ hiền miền núi – người đã dành rất nhiều tình cảm với nhà thơ mặc dù không phải là tình máu mủ ruột thịt nhưng người mẹ đó luôn xem cán bộ như là con đẻ. Chính vì vậy“trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi”. Nhà thơ đã sử dụng rất nhiều những từ ngữ chỉ sự gắn bó “một mùa dài”, “trọn đời”, “nhớ mãi”,… Đó chính là những từ ngữ thể hiện quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa cái cá nhân và cái cộng đồng. Hình ảnh mẹ nuôi trong thơ Chế Lan Viên là hình ảnh trong vô vàn những người mẹ vô danh đã góp công sức không nhỏ trong việc nuôi giấu cán bộ trong những năm tháng gian lao. Trong bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu viết “Nhớ người mẹ nắng cháy lưng/Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”, hay người mẹ trong bài thơ “Mẹ Tơm” của Tố Hữu:
“Con đã về đây ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gong chấp súng gươm”
Bốn khổ thơ trên: Khổ một tập trung thể hiện niềm vui của nhà thơ khi trở về với nhân dân. Ba khổ thơ tiếp theo cụ thể hóa hình ảnh nhân dân: người mẹ, người anh, người em. Những hình ảnh này gắn kết trong không khí gia đình chung là nhân dân và Tổ quốc. Tất cả đều để lại trong trái tim nhà thơ và bạn đọc tình cảm thiết tha , gắn bó.
 6.     Nhớ người rồi lại nhớ cảnh: nếu như trong Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng “nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi” và trong thơ Tố Hữu “Nhớ gì như nhớ người yêu/Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương”, còn Chế Lan Viên nhớ Tây Bắc bằng nỗi nhớ mang màu triết lý:
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ 
Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương ? 
Khi ta ở, chi là nơi đất ở 
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
Câu thơ đầu của khổ: nhà thơ sử dụng dấu phẩy ở giữa tạo thế đăng đối cân xứng hài hòa, cùng đó là điệp từ “nhớ” làm cho ta khi đọc lên tưởng chừng như một bài hát. Đó chính là nỗi nhớ vừa thực vừa ảo, nỗi nhớ da diết khôn nguôi mang một màu sắc sương khói hoài niệm khiến ta liên tưởng đến câu thơ của Tố Hữu: “Nhớ từng bản khói cùng sương/Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”. Đằng sau những câu thơ như câu hát ấy, nhà thơ tự hỏi lòng mình “Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương?”, hỏi cũng là tự đo lòng mình, đo yêu thương tình nghĩa. “Nơi nao” chính là “Nơi nào” đó chính nơi “máu rỏ tâm hồn ta thấm đất”. Đây cũng chính là cách nói thể hiện tình yêu đặc biệt:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.
“Đất” là cụ thể hóa của vật chất nhưng trong hai câu thơ này, “đất” đã được chuyển hóa thành tinh thần, thành tâm hồn. Khi ta ở rồi đến khi ta đi chắc chắn phải trải qua nhiều năm tháng. Ở và đi để chỉ hoàn cảnh sống thay đổi theo thời gian, không gian của quá khứ và cả hiện tại. Tuy nhiên có một điều rất thật, điều mà không thể nào thay đổi được đó chính là tấm lòng con người. Kẻ vô tâm thì đi là quên hết, còn nơi ở xưa kia là sự dửng dưng trong tâm hồn. Người có tâm hồn cao đẹp thì dù có xa cách mấy vẫn mang theo trong tâm hồn mình những kỷ niệm vui buồn, những nhớ thương mà nơi mình từng gắn bó. Điều kỳ diệu của tâm hồn ta chính là ở đây.
7.     Khổ thơ tiếp theo: Nhà thơ đột ngột chuyển sang một rung cảm và suy  tưởng khác về tình yêu đất lạ:
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng, 
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc 
Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.
Nhà thơ lại tiếp tực sử dụng một loạt những so sánh để diễn tả tình yêu và rung cảm trong lòng mình, đặc biệt mượn quy luật về tự nhiên để diễn tả tình yêu. Mùa đông gắn liền với rét mướt, nhắc tới mùa đông con người không thể quên cái rét, nhắc tới tình yêu không thể thiếu nỗi nhớ anh và em. Chữ“bỗng” trong câu “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét” thể hiện tình cảm chân thật, nóng bỏng, đột ngột tràn ngập trong lòng thi nhân. Ca dao có câu:
“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than”
Mặt khác, câu thơ còn có ý nghĩa là vào mùa đông đôi lứa cần hơi ấm của nhau những đôi lứa khát khao gần gũi để tìm hơi ấm xua đi lạnh lẽo của thiên nhiên. “Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng”được hiểu theo nhiều cách. Theo nhiều tài liệu: “Cánh kiến còn được gọi là An Tức Hương được điều chế từ nhựa cây bồ đề do con bọ cánh kiến tiết ra dịch thể quánh sệt theo các tuyến bao quanh khắp mình có màu vàng lấm tấm như điểm hoa, người ta gọi đó là “cánh kiến hoa vàng”, cánh kiến có mùi thơm giống như mật ong rừng”. Từ những kiến thức khoa học đó, các nhà phê bình văn học đã phát triển ý thơ thành “Đó là tình yêu thơm như cánh kiến, rực rỡ như hoa vàng hay tình yêu khăng khít bền chặt như cánh kiến và thơ mộng như hoa vàng hoặc là tình yêu đã trải qua tháng năm thử thách để đạt đến độ chín cần thiết”  (Sách tìm hiểu tác giả-tác phẩm nxb GD năm 2007).
Và tình yêu ấy lại được nảy nở, kết tinh trong mùa xuân. Đó là thời khắc trăm hoa đua nở, là mùa của sự sống, là mùa của tình yêu làm cho chim rừng lông trở biếc đầy sức sống. Câu thơ kết lại thêm một lần ta lại thấy sự chuyển hóa của các vật chất thành sự sống của tâm hồn qua câu thơ: “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Đây là sự chuyển hóa đầy mĩ cảm thể hiện cách sống ân nghĩa bởi chỉ có ân nghĩa thì đất lạ mới có thể hóa tâm hồn được. Chỉ có những con người nhân hậu biết sống theo đạo lý, biết ăn ở trong tình nghĩa thủy chung, có cái tâm đẹp, cái tài lớn mới viết nên những câu thơ mang màu sắc triết lý đẹp và hay như thế.
Trong tình yêu nhân dân của tác giả, ta còn bắt gặp một hình ảnh rất hiện thực nhưng cũng đầy lãng mạn đó là hình ảnh người em gái Tây Bắc:
“Anh nắm tay em…
….nhớ mùi hương”
Ta liên tưởng hai câu thơ của Quang Dũng:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Hình ảnh vắt xôi nuôi quân thẻ hiện hình ảnh đẹp về tình quân dân của những người em gái dành cho bộ đội cụ Hồ đồng thời đó cũng là hình ảnh gợi lên cho câu thơ sự ấm áp, gần gũi, thân thiết.
 8.     Bốn khổ thơ cuối: là khúc hát lên đường
Mở đầu đoạn thơ là câu hỏi “Đất nước gọi ta hay lòng ta gọi?” thể hiện sự giục giã lên đường trong tâm hồn nhà thơ. Nói như lời của một cố tổng thống Mỹ “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”. Câu hỏi đó cũng chính là vẻ đẹp của cái tôi cá nhân, cái tôi của nhà văn bước ra khỏi cuộc đời chật chội tù hẹp của đời mình để đến với cuộc sống mới, cuộc sống của nhân dân. Những từ ngữ như “tình em đang mong,tình mẹ đang chờ”, “mắt ta thèm” đã làm cho đoạn thơ một nhịp điệu dồn dập, âm điệu rộn rang đầy phấn chấn, say mê. Đặc biệt là cách nói : “Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến”. “Mùa nhân dân” cho thấy niềm vui và khát vọng mạnh liệt của tác giả khi tìm về với  cội nguồn bởi cội nguồn chính là sự sống, là nguồn thơ, nguồn cảm hứng mãnh liệt.
“Tây Bắc ơi người là mẹ của hồn thơ”
Và không chỉ khát vọng đi tìm nguồn thơ, hồn thơ mà tác giả muốn lấy lại “vàng ta”, lấy lại những giá trị tinh thần, đem tình yêu của mình, khát vọng của mình vun đắp, xây đắp cho Tây Bắc trong đống tro tàn sau chiến tranh:
“Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm lương tri
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm”
Khổ thơ cuối khép lại bằng hình ảnh mang tính biểu tượng thể hiện tâm hình tình yêu của nhà thơ với Tây Bắc, với “mùa nhân dân”.
9.     Bốn câu thơ cuối:
 Đến giây phút này thì con tàu mới thực sự trở thành khát vọng sống, khát vọng lên đường đến Tây Bắc, hết lòng vì Tổ quốc “Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát”. Bây giờ con tàu không “đói vành trăng” nữa mà trở thành “con tàu mộng tưởng” của ước mơ, khát vọng. Đặc biệt, con tàu “mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng” tượng trưng cho vẻ đẹp Tây Bắc và nhân dân. Đó cũng là vầng trăng của thi ca.“Mặt hồng em” là ẩn dụ nói về hiện thực đời sống thể hiện sự thành công, bội thu của Tây Bắc với những thành công ban đầu trong xây dựng và đổi mới. Đồng thời đó cũng chính là mùa bội thu  của  thi ca nghệ thuật. Khổ thơ cuối thể hiện một niềm tin về lòng yêu Tổ quốc và nhân dân trong chính bản thân mình. Đây cũng chính là vẻ đẹp của cái tôi nhân dân mang khát vọng lớn, sống hòa mình với cộng đồng.
Nghệ thuật :
+ Xây dựng hình ảnh trong tương quan đối lập
+ Giàu tính biểu tượng.
+ Mới mẻ, độc đáo
+ Nhiều hình ảnh so sánh.
+ Giọng thơ triết luận.